Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở TP.HCM học những gì? Sinh viên ra trường làm gì?

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử được xem là ngành học “HOT” tại nước ta trong những năm gần đây. Theo thống kê từ số liệu công việc đăng tuyển của Vietnam Works, top nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất từ năm 2019 đến nay thuộc lĩnh vực sản xuất là ngành Điện- Điện tử, dự báo từ 2020 – 2030, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực ngành Điện- Điện tử.

Vậy ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử sẽ học những gì, sau khi ra trường có thể làm gì? Đó chính là thắc mắc của nhiều thí sinh đứng trước “ngưỡng cửa” chọn trường học, ngành học. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn thí sinh có mong muốn trở thành Kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật Điện –  Điện tử tìm hiểu rõ hơn về ngành học này.

♦ Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử là gì?

Trong đời sống hiện đại ngày nay, Điện – Điện tử giữ vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết với mọi hoạt động của con người. Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử do đó trở thành ngành kỹ thuật hiện đại có nhu cầu nhân lực cao, ổn định trong nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ tại các nước đang phát triển theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa.

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử (tiếng Anh là Electrical and Electronic Engineering Technology) là ngành học nghiên cứu và áp dụng các vấn đề liên quan đến điện, điện tử và điện từ với nhiều chuyên ngành nhỏ như: năng lượng, điện tử học, hệ thống điều khiển, xử lý tín hiệu, viễn thông… Ngành này liên quan đến các lĩnh vực: sản xuất, truyền tải, phân phối, biến đổi và sử dụng điện năng, triển khai áp dụng kỹ thuật công nghệ vào lĩnh vực kỹ thuật điện cho các máy móc thiết bị, các dây truyền sản xuất trong nhà máy xí nghiệp nhằm mục đích tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm và giải phóng sức lao động trực tiếp cho con người.

♦ Học Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử tại Học viện là học những gì?

Đến với ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại TP.HCM, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức từ cơ bản thông qua các môn cơ sở ngành về: Linh kiện và mạch điện tử, Hệ thống số và máy tính, Tin học, Lý thuyết tín hiệu hệ thống thông tin, Xử lý tín hiệu số, Trường điện từ và kỹ thuật siêu cao tần…đến kiến thức chuyên sâu về một hoặc một vài lĩnh vực khác nhau của ngành như: Kỹ thuật điện tử – máy tính (Hệ thống nhúng, Tương tác người – máy, Hệ thống VLSI, Thiết bị ngoại vi và kỹ thuật ghép nối…) ; Xử lý tín hiệu và truyền thông (Xử lý ảnh, Xử lý tiếng nói, Công nghệ phát thanh truyền hình số, Truyền thông đa phương tiện, Bảo mật thông tin…); Điện tử công nghiệp và tự động hóa, mạng truyền thông công nghiệp; Thiết kế vi mạch…

Sinh viên tốt nghiệp chương trình đại học ngành Công nghệ kỹ thuật Điện, điện tử được trang bị những kỹ năng:

  • Nắm chắc các kiến thức cơ bản liên quan đến các lĩnh vực Điện tử máy tính, Xử lý tín hiệu truyền thông, Điện tử công nghiệp, tự động hóa.
  • Nắm vững kiến thức tổng thể về một hệ thống điện – điện tử hiện đại từ các lõi xử lý trung tâm, vi xử lý, vi điều khiển đến các giao tiếp ghép nối ngoại vi, giao tiếp với hạ tầng truyền thông và các hệ điều hành, hệ điều hành thời gian thực (RTOS), ưu tiên sử dụng mã nguồn mở.
  • Làm chủ các công nghệ nguồn, từ đó có khả năng tư duy độc lập và hợp tác theo nhóm để thiết kế, xây dựng, phát triển hoặc triển khai, vận hành bảo dưỡng các hệ thống điện – điện tử phục vụ trong các lĩnh vực như truyền thông, công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp, tự động hóa, điện tử y sinh, giao thông vận tải, hàng không vũ trụ, an ninh, quân sự ..
  • Sử dụng thành thạo các thuật toán, công cụ về tích hợp hệ thống nhúng, thiết kế số, ngôn ngữ mô tả phần cứng; các công cụ thiết kế mạch in điện tử PCB, các công cụ mô phỏng trợ giúp thiết kế.
  • Thu thập và xử lý dữ liệu, sử dụng thành thạo các thuật toán và công cụ xử lý tín hiệu tương tự và số. Nắm được các nguyên lý cơ bản về truyền dẫn cao tần RF, các thuật toán về nén dữ liệu và các thuật toán bảo mật.
  • Hiểu biết về linh kiện, cụm linh kiện, nguyên tắc an toàn điện trong các hệ thống, bảng mạch điện – điện tử
  • Nắm chắc các tiêu chuẩn quốc tế cơ bản trong lĩnh vực điện điện tử.
  • Có khả năng tiếp cận với các thành tựu công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới trong lĩnh vực điện – điện tử.

Sinh viên thiết kế mô hình hệ thống điều khiển tự động dùng PLC của Simens

Trong suốt 4,5 năm học, sinh viên theo học ngành này tại Học Viện đảm bảo được học lý thuyết song song với thực hành. Để nâng cao trình độ chuyên môn cho sinh viên theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử, Khoa còn chú trọng đào tạo thêm cho các em rất nhiều kỹ năng nghề có tính thực tiễn cao về thiết kế thi công mạch điện, điện tử có ứng dụng thực tiễn cao như: lắp đặt tủ điện công nghiệp, thiết kế – thi công xe tự hành, cánh tay robot, điều khiển thông minh… giúp sinh viên dễ dàng có được việc làm sau khi ra trường.

Sinh viên thực hành với các KIT thí nghiệm Điện tử

Cuối khóa học, sinh viên sẽ thực hiện đồ án tốt nghiệp, được giới thiệu thực tập tại các doanh nghiệp liên kết với Học viện, đây chính là môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập tại các cơ sở tốt, được tiếp cận với những hệ thống điện – điện tử đa dạng và hiện đại để rèn luyện kỹ năng, nâng cao kỹ năng tay nghề. Bên cạnh đó, tất cả sinh viên còn được Nhà trường rèn luyện các kỹ năng về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng xin việc, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm hiệu quả…

♦ Học Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử ra trường làm gì?

Sự phát triển mạnh mẽ và liên tục của hàng loạt nhà máy công nghiệp hiện đại tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất… càng đẩy mạnh nhu cầu tuyển dụng cán bộ kỹ thuật có trình độ cao về điện, điện tử và tự động hóa công nghiệp. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực ở nhóm ngành kỹ thuật sẽ tăng cao trong những năm tới, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch kinh tế, đầu tư phát triển vào nước ta của hàng loạt các công ty, tập đoàn điện tử lớn như: Intel, Samsung, LG… sẽ là cơ hội thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong những “trung tâm” chế tạo sản phẩm điện tử lớn ở khu vực Đông Nam Á.

Các tân kỹ sư ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử có thể đảm nhận công việc tại công ty, nhà máy sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất công nghiệp tự động hóa và điện tử hóa…

Ngoài ra, các tân kỹ sư ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử còn có thể làm việc cho ngành bưu chính viễn thông, cán bộ kỹ thuật phòng kiểm định chất lượng trong các công ty, doanh nghiệp hoặc tiếp tục học tập nâng cao lên trình độ thạc sỹ và nghiên cứu sinh để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực điện – điện tử; tham gia giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, các trung tâm đào tạo về lĩnh vực điện – điện tử…

Lịch khai giảng Liên hệ Đăng ký học thử